Quận 5 – thành phố Hồ Chí Minh có diện tích 4,27 km2. Phía Đông giáp quận 1 với tuyến đường Nguyễn Văn Cừ, phía Tây giáp quận 6 với đường Nguyễn Thị Nhỏ và Ngô Nhân Tịnh, phía Nam tiếp giáp quận 8 dọc theo kênh Tàu Hủ, phía Bắc giáp quận 10 và quận 11 với tuyến đường Nguyễn Chí Thanh và Hùng Vương. Giao thông vừa thuận lợi với khu vực trung tâm thành phố và các quận, huyện; vừa là cửa ngõ đi các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long nhờ trục đường thủy, đường bộ (thông qua tuyến đường Võ Văn Kiệt). Dân số hơn 194.000 người, trong đó người Hoa chiếm 35%, với vị trí, điều kiện kinh tế - xã hội được xác định là một Quận trung tâm của Thành phố với các hoạt động thương mại - dịch vụ, nhiều hàng hóa phong phú, đa dạng, các ngành nghề truyền thống phát triển; là nơi tập trung nhiều Trung tâm thương mại, chợ đầu mối buôn bán với các tỉnh và quốc tế.
Đặt biệt Quận 5 vinh dự là nơi một số đồng chí lãnh đạo cách mạng sống, làm việc và hy sinh tại đây: Căn nhà số 05 Châu Văn Liêm P.14 vinh dự là nơi Bác Hồ từng dừng chân sống và đi làm công nhân khuân vác ở bến cảng trước khi rời Tổ quốc ra đi tìm đường cứu nước (nay là di tích lưu niệm về Hồ Chí Minh); Khu trại giam bệnh viện Chợ Quán số 190 Hàm Tử P.1 là nơi đ/c Trần Phú Tổng Bí thư đầu tiên đã bị thực dân Pháp giam giữ và trút hơi thở cuối cùng tại nơi đây; Quận 5 cũng là nơi đón Bác Tôn về làm công nhân ở Nhà đèn Chợ Quán, là nơi tổ chức Công Hội đỏ in dấu hoạt động sớm nhất ở nước ta những năm 1920 và cũng là nơi hy sinh của hai chiến sĩ cách mạng là đ/c Lê Thị Riêng và Trần Văn Kiểu ...
Tiếp nối truyền thống đấu tranh cách mạng của Đảng bộ, giai cấp công nhân và nhân dân lao động quận 5 trong những năm kháng chiến giành độc lập dân tộc. Kể từ ngày 30/4/1975 giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn quận 5 dưới sự dìu dắt của Đảng bộ Quận và Công đoàn Thanh phố không ngừng lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng hoạt động.
Từ năm 1976 đến nay, Công đoàn quận 5 trải qua 10 kỳ đại hội. Ban Chấp hành nhiệm kỳ I (1977 – 1979) có 15 ủy viên do đ/c Lâm Thành Ken làm Thư ký; Nhiệm kỳ II (1980 – 1982) có 21 ủy viên do đ/c Đỗ Đức Liễu làm Thư ký; Nhiệm kỳ III (1983 – 1985) có 21 ủy viên do đ/c Vũ Thanh làm Thư ký; Nhiệm kỳ IV (1986 – 1988) có 21 ủy viên do đ/c Nguyễn Hải Kim làm Thư ký; Nhiệm kỳ V (1988 – 1990) có 21 ủy viên do đ/c Nguyễn Hải Kim tiếp tục làm Thư ký; Nhiệm kỳ VI (1991 – 1997) có 18 ủy viên do đ/c Lưu Kim Hoa làm Chủ tịch, đến năm 1996 đ/c Lưu Kim Hoa được điều động công tác khác, đ/c Trương Thị Cẩm Lai được bầu làm Chủ tịch; Nhiệm kỳ VII (1998 – 2003) có 17 ủy viên do đ/c Trương Thị Cẩm Lai làm Chủ tịch; Nhiệm kỳ VIII (2003 – 2008) có 21 ủy viên do đ/c Trương Thị Cẩm Lai làm Chủ tịch, đến tháng 12/2003 đ/c Trương Thị Cẩm Lai được điều động công tác khác, đ/c Trương Canh Ba – Trưởng Phòng LĐ-TBXH quận 5 được điều động về LĐLĐ quận 5 bầu bổ sung làm Chủ tịch; Nhiệm kỳ IX (2008 – 2013) có 23 ủy viên do đ/c Trương Canh Ba làm Chủ tịch, đến tháng 5/2009 đ/c Trương Canh Ba được điều động công tác khác, đ/c Đỗ Thị Thu Nga – Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Dân vận Quận ủy quận 5 được điều động về LĐLĐ quận 5 bầu bổ sung làm Chủ tịch; Nhiệm kỳ X (2012 – 2017) có 23 ủy viên do đ/c Đỗ Thị Thu Nga làm Chủ tịch, đến tháng 6/2015 đ/c Đỗ Thị Thu Nga được điều động công tác khác, đ/c Lê Thị Bích Hạnh - Phó Chủ tịch Thường trực ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Quận 5 được điều động về LĐLĐ Quận 5 bầu bổ sung làm Chủ tịch LĐLĐ Q.5 khóa X.
Phát huy truyền thống vẻ vang của Công đoàn Việt Nam, trong nhiều năm qua, Công đoàn quận 5 luôn phát huy vai trò, trách nhiệm và sức mạnh của mình trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Tổ chức công đoàn quận 5 đã ra sức thi đua, tổ chức thực hiện thắng lợi các mục nhiệm vụ, Nghị quyết qua các kỳ Đại hội và có nhiều đóng góp tích cực trên lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội của Quận. Phong trào công nhân viên chức được duy trì và phát triển không ngừng, luôn bám sát và triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ chính trị, kinh tế - xã hội của Quận; nhiều chỉ tiêu, nhiệm vụ kinh tế - xã hội chủ yếu đã được hoàn thành vượt chỉ tiêu góp phần nâng cao đời sống của công nhân, viên chức, người lao động, xây dựng Đảng, chính quyền ngày càng trong sạch, vững mạnh.
Qua các nhiệm kỳ, việc xây dựng tổ chức công đoàn vững mạnh là nhiệm vụ trọng tâm của Công đoàn quận 5, những năm đầu giải phóng giai đoạn từ năm 1975 – 1989 đặc điểm lớn nhất của hoạt động công đoàn thời kỳ này là tổ chức công đoàn chỉ có trong các cơ quan, doanh nghiệp nhà nước, tính đến cuối năm 1989 LĐLĐ đã xây dựng được 85 Công đoàn cơ sở, số lượng đoàn viên gần 10.000 người. Từ năm 1989 chính sách mở cửa của Đảng và Nhà nước đã thổi một luồng sinh khí mới vào nền kinh tế đang trì trệ. Đây là thời kỳ phát triển mạnh mẽ của khu vực kinh tế ngoài quốc doanh, việc xây dựng tổ chức chức công đoàn ở khu vực này được đặt ra và là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, cấp thiết của LĐLĐ Quận trong nhiệm kỳ VI. Khó khăn lớn nhất trong công tác xây dựng công đoàn ngoài quốc doanh là làm thế nào cho NLĐ tự nguyện, chủ doanh nghiệp đồng tình, bước đầu LĐLĐ Quận không đủ lực lượng để tập trung cho công tác này. Cho nên, đến năm 1992 chỉ mới thành lập được 14 CĐCS với 606 đoàn viên. Tuy mới chỉ là thử nghiệm bước đầu, nhưng BCH CĐCS đã bám sát quy chế hoạt động, ký kết thỏa ước lao động tập thể với chủ, bảo vệ quyền lợi cho CNLĐ. Số CĐCS ngoài quốc doanh tăng vọt vào cuối năm 1993 và những năm sau. Năm 1993: có 46 CĐCS; năm 1994 đã tăng lên 120 CĐCS và năm 1995 là 211 CĐCS. Hiện nay, tính đến tháng 6/2014, LĐLĐ Quận có 442 CĐCS trực thuộc với tổng số đoàn viên 17.994 / 23.925 CNVC-LĐ đủ điều kiện gia nhập công đoàn, tỷ lệ 75,2% (trong đó khu vực ngoài Nhà nước: 338 CĐCS với tổng số đoàn viên 12.190 / 17.852 CNLĐ đủ điều kiện, đạt tỷ lệ 68,3%). Với sự phát triển về số lượng như vậy, hoạt động công đoàn cũng dần đi vào chiều sâu, tập trung vào những chức năng chính của công đoàn là bảo vệ, chăm lo NLĐ, tham gia với chủ quản lý doanh nghiệp, LĐLĐ quận đã tổ chức nhiều lớp bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ công đoàn, tổ chức toạ đàm trao đổi kinh nghiệm, hội thi …
Với những thành tích đã đạt được trong quá trình xây dựng và phát triển của tổ chức, LĐLĐ quận 5 vinh dự được Nhà nước tặng thưởng Huân chương lao động hạng nhất vào năm 2010, nhiều Bằng khen của Tổng LĐLĐ Việt Nam và được LĐLĐ Thành phố tặng cờ thi đua dẫn đầu cụm 22 năm liên tục (1992 – 2013).