Liên Đoàn Lao Động Quận 5, Tp.HCM
Liên Đoàn Lao Động Quận 5, Tp.HCM
Chính sách - Pháp luật

Danh sách cá nhân đạt Giải thưởng Trần Văn Kiểu Lần XII - Năm 2014

Hình ảnh và đề tài nghiên cứu của 7 cá nhân:

 

Phùng Ngọc Thái Minh Duy - Kỹ sư, Giáo viên Trường Trung cấp nghề KTCN Hùng Vương

"Người Thầy của Công việc"

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình tri thức có bố và mẹ đều là giáo viên tại tỉnh Kiên Giang, thầy Phùng Ngọc Thái Minh Duy tốt nghiệp trường đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh với chuyên ngành Cơ khí Động lực. Và trở thành giáo viên phụ trách trực tiếp giảng dạy các lớp thuộc Khoa Cơ khí Động lực Trường Trung cấp nghề Kỹ thuật Công nghệ Hùng Vương. Trong quá trình công tác, thầy Duy thật sự trở thành người thầy, người bạn tốt của các học viên theo học tại trường. Thầy hoàn thành xuất sắc công tác giảng dạy, cùng các thầy cô trong khoa xây dựng các chuyên đề mới đưa vào giảng dạy và biên soạn giáo trình cho hệ dài hạn trong khoa Cơ khí Động lực. 

Được dìu dắt bởi một người thầy giỏi về chuyên môn và có bề dày kinh nghiệm là thầy Dương Ngọc Dũng - Trưởng khoa Cơ khí động lực, bản tính lại cần cù, chịu khó nên tay nghề của thầy Duy tăng rất nhanh. Hết mình với công việc và biết chắt chiu cơ hội, người thầy đã gây bất ngờ cho nhiều đồng nghiệp bởi những ý tưởng sáng tạo trong giảng dạy. Được sự hỗ trợ kinh phí từ thầy trưởng khoa, thầy Duy đã nghiên cứu thành công “Mô hình phun xăng điện tử xe máy” và đạt giải nhất tại Hội thi thiết bị dạy nghề tự làm toàn quốc lần thứ IV năm 2013. Mô hình trên với tác dụng giúp mô phỏng hoạt động của hệ thống phun xăng điện tử xe máy, hoạt động của các cảm biến điện tử xe máy và hoạt động của hệ thống khởi động sạc trên xe gắn máy; đồng thời, rèn luyện kỹ năng đọc mã lỗi trên xe và kỹ năng xác định hư hỏng trên xe. Qua đó, giúp giáo viên minh họa trực quan những bài giảng lý thuyết nhờ vậy tiết kiệm được thời gian trong mỗi tiết học, giáo viên dễ dàng tổ chức giảng dạy theo hình thức tích hợp khi sử dụng mô hình; giúp học viên hiểu rõ các nguyên lý cơ bản, dễ hình dung, hiểu bài sâu sắc hơn và nhớ bài lâu hơn. Khi thực hành trên mô hình học viên dễ thao tác hơn, tiết kiệm được thời gian vì không phải tháo quá nhiều chi tiết. Và đảm bảo các yêu cầu về : Tính sư phạm, tính khoa học, an toàn cho người và thiết bị, sử dụng để giảng dạy cho hầu hết các bài về sửa chữa hệ thống phun xăng điện tử xe máy, tiết kiệm chi phí giá thành.

Trao đổi với tôi, thầy Duy cho biết vừa qua dưới sự hỗ trợ về kinh phí của thầy trưởng khoa, thầy Duy đã thực hiện thành công và đang đưa đi trình diễn mô hình “Kiểm tra vệ sinh kim phun và kiểm tra bơm các xe ô tô, xe máy” từ bắc vào nam. Trong thời gian sắp tới, thầy sẽ cùng các thầy cô trong khoa tiếp tục thực hiện một số mô hình giảng dạy mới. Khi biết mình được trao giải thưởng Trần Văn Kiểu năm 2014, thầy Duy rất vui mừng và cho rằng mình rất may mắn khi được tham gia dạy học dưới sự dìu đắt của các thầy cô trong khoa và Ban giám hiệu Trường trung cấp nghề Kỹ thuật công nghệ Hùng Vương. Đây cũng chính là động lực thúc đẩy để thầy tiếp tục phấn đấu trong công tác giảng dạy và tiếp tục nghiên cứu những mô hình giảng dạy khác phục vụ cho sự phát triển không ngừng của công nghệ ô tô, xe máy hiện đại.

Ngoài ra, thầy Duy cũng tích cực tham gia các phong trào do công đoàn nhà trường và LĐLĐ quận phát động; tích cực tham gia và vận động giáo viên Khoa tham gia các chương trình xã hội từ thiện như: ủng hộ ngày lương cho quỹ đền ơn đáp nghĩa, quỹ vì người nghèo do các cấp công đoàn phát động./.

 

 

Bùi Kim Thành - Kỹ sư, Giáo viên Trường Trung cấp nghề KTCN Hùng Vương

"Người Thầy, người bạn của học viên" 

“Luôn quan tâm giúp đỡ mọi người, giúp đỡ đồng nghiệp trong công tác. Chấp hành tốt nội quy, quy chế cơ quan, pháp luật Nhà nước tại nơi làm việc và nơi ở. Thái độ tận tụy, giúp đỡ học viên, tôn trọng đồng nghiệp” đó là lời nhận xét của bà Phạm Quang Trang Thủy – Hiệu trưởng Trường Trung cấp nghề Kỹ thuật Công nghệ Hùng Vương về thầy Bùi Kim Thành - Giáo viên trực tiếp giảng dạy các môn chuyên ngành thuộc trung tâm Cơ điện tử. 

Khác với suy nghĩ trong tôi về người thầy đeo kính, dày dặn kinh nghiệm, hơi khó khăn; nhưng khi tiếp xúc, thì thầy Thành lại giản dị, thân thiện, vui vẻ, hòa nhã. Thầy tâm sự: “Khi biết mình được trao tặng giải thưởng Trần Văn Kiểu năm 2014”, thầy vui mừng khôn xiết, vì những thành tích đóng góp của mình được Ban giám hiệu nhà trường, các đồng nghiệp và các cấp lãnh đạo công nhận. Đó cũng là động lực để thầy tiếp tục phấn đấu, tìm tòi, sáng tạo trong công tác giảng dạy, đem lại những kiến thức mới cho học viên”. 

Với đề tài nghiên cứu “Mô hình tự động hóa dây chuyền sản xuất tự động” thầy đã Đạt giải nhất tại Hội thi dạy nghề tự làm toàn quốc lần thứ IV năm 2013”. Từ mô hình này đã giúp các giáo viên trực tiếp đứng lớp diễn đạt được nguyên lý hoạt động ứng dụng của các loại cảm biến thường gặp trên thiết bị tự động hoá; ứng dụng của bộ biến tần trong việc điều khiển tốc độ động cơ; ứng dụng của PLC trong việc điều khiển hệ thống tự động hoá. Góp phần trực quan hóa giảng dạy lý thuyết và thực hành, tạo cảm hứng và dễ tiếp thu học tập cho học sinh. Đối với học viên thì dễ dàng Thực hành lắp đặt hệ thống cơ khí, đấu dây mạch điện điều khiển, cài đặt và hiệu chỉnh tham số điều khiển cho bộ biến tần, đo kiểm tín hiệu và hiệu chỉnh các loại cảm biến, lập trình PLC (CPU điều khiển) từ cơ bản đến nâng cao, lập trình màn hình cảm ứng HMI… Qua đó, góp phần đảm bảo tính khoa học, an toàn cho người sử dụng và thiết bị; đảm bảo về yêu cầu sư phạm, đảm bảo yêu cầu về kinh tế (dễ bảo trì, độ bền cao, chi phí đầu tư thấp), đảm bảo về tính mỹ thuật do Thiết bị được bố cục hài hòa hợp lý, mô hình có màu sắc hài hòa, trung thực với thiết bị trong thực tế, trực quan dễ hiểu; đảm bảo tính sáng tạo do kích thước của mô hình nhỏ, gọn nhưng tích hợp đầy đủ các thiết bị công nghệ đỉnh cao, có thể thực hành chạy thử các chương trình PLC từ cơ bản đến năng cao.

Được biết, thầy Thành hiện nay đang theo học năm cuối chương trình cao học ngành Cơ điện tử tại Trường Đại học Bách khoa Thành phố Hồ Chí Minh với đề tài “Điều khiển hệ thống cuốn bằng phương pháp phân tán”. Sau khi hoàn thành Luận văn tốt nghiệp với đề tài này, Thầy Thành sẽ tiến hành áp dụng đề tài vào trong những tiết học tại trung tâm Cơ điện tử của trường, nhằm truyền tải đến các học viên những kiến thức mới. 

Là đoàn viên công đoàn, bản thân thầy luôn nghiêm chỉnh chấp hành tốt các nội quy quy định của nhà Trường; Nghị quyết, các quyết định của Ban Chấp Hành CĐCS. Bản thân luôn tích cực tham gia các phong trào do Công đoàn cơ sở phát động, luôn vận động các đoàn viên khác cùng tham gia để góp phần củng cố và phát triển phong trào công nhân viên chức tại đơn vị./.

 

 

Bùi Quang Ánh - Trưởng Ban Điện máy, UV.BCH CĐCS Xí nghiệp LD Vianco

"Sáng tạo không ngừng để phát triển"

Sinh năm 1981, quê quán tại Bình Định, sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, năm 2003 anh đã thi đậu vào ngành Công nghệ Hóa của trường Cao đẳng công nghiệp 4 (nay là đại học công nghiệp) và năm 2005 anh vào làm tại Xí nghiệp liên doanh Vianco đến nay. Nói về khoảng thời gian công tác tại xí nghiệp Vianco, anh Bùi Quang Ánh cho biết anh và đồng nghiệp gặp rất nhiều thuận lợi. Đó là công việc ổn định, được lãnh đạo xí nghiệp, Ban chấp hành công đoàn quan tâm tạo điều kiện giúp đỡ để học tập, nâng cao trình độ, quan tâm hỗ trợ về mặc tinh thần, chăm lo đời sống vật chất… Và các lớp đàn anh đi trước luôn hướng dẫn, giúp đỡ trong việc quản lý máy móc. Là người công nhân trực tiếp quản lý và bảo dưỡng trên 100 máy móc các loại tại xí nghiệp, đòi hỏi anh Ánh phải chăm chỉ cần cù, luôn nỗ lực tìm tòi, làm chủ máy móc thiết bị và hơn thế nữa là phát huy sáng tạo. Trung bình mỗi năm anh thực hiện 3 sáng kiến cải tiến kỹ thuật, máy móc. 

Với đặc thù công việc là quản lý máy móc thiết bị, kế hoạch bảo trì, bão dưỡng đúng kế hoạch, phát hiện kịp thời sửa chữa các thiết bị máy móc, đảm bảo các thiết bị luôn trong trạng thái vận hành tốt nhất; Bùi Quang Ánh đã không ngừng học hỏi, hoàn thành nhiệm vụ được giao và hơn thế, tích cực nghiên cứu tìm tòi, phát huy sáng kiến hợp lý hóa sản xuất đem lại hiệu quả cao trong sản xuất. Kể từ khi được giao nhiệm vụ là Trưởng Ban điện máy Xí nghiệp Liên doanh Vianco. Anh Bùi Quang Ánh là tác giả của nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật mang lại lợi ích về kinh tế đóng góp cho đơn vị được công nhận. Cụ thể như: sáng kiến “Cải tiến máy chiết rót dầu từ hai đầu lên ba đầu chiết rót”: năng suất tăng từ 2.000 đơn vị sản phẩm/ngày lên 3.000 đơn vị sản phẩm/ngày, đảm bảo chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm; Sáng kiến “Hệ thống khuấy và làm nguội sản phẩm” để đóng gói thành phẩm trong ngày tránh để cho sản phẩm bị hư, nhiễm nấm men, nấm mốc… làm lợi cho xí nghiệp trên 200 triệu đồng mỗi năm. 

Khác với hình dung của tôi rằng những người thợ lành nghề thường là những người “có tuổi” có kinh nghiệm, rất từng trải, nhưng từ vẻ ngoài đến cách nói chuyện, Anh Bùi Quang Ánh đều khiến tôi phải bất ngờ. Giản dị đến bình dị, hiền lành đến chất phác. Qua trao đổi, anh Ánh cho biết: Khi được Ban chấp hành công đoàn Xí nghiệp đề xuất lên Ban chấp hành công đoàn cấp trên giải thưởng Trần Văn Kiểu – anh rất vui mừng, đây là niềm vinh dự của bản thân và gia đình; những cống hiến của bản thân trong thời gian qua không những được Ban giám đốc xí nghiệp, các đồng nghiệp công nhận mà còn được mọi người công nhận. Đây cũng chính là động lực to lớn giúp anh tiếp tục phấn đấu hơn nữa trong thời gian tới và cũng là tấm gương điển hình cho các đồng nghiệp noi theo. Qua đó, góp phần vào thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh tại xí nghiệp. Đồng thời, trong thời gian sắp tới anh tiếp tục đưa các sáng kiến của mình vào thực hiện tại xí nghiệp, đó là “Hoàn thành hệ thống cấp liệu tự động; Hoàn thành quy trình chiếc rót dầu bơm tự động. 

Ngoài ra, anh còn là Ủy viên Ban chấp hành công đoàn Xí nghiệp Vianco, anh luôn tích cực tham gia đầy đủ các phong trào, đồng thời vận động đoàn viên công đoàn hưởng ứng tham gia các hoạt động phong trào do Công đoàn cấp trên tổ chức. Hàng năm, cùng Ban chấp hành công đoàn tham mưu đề xuất với Ban Giám đốc xem xét nâng lương cho Công nhân lao động, thương lượng thỏa ước lao động tập thể có thêm điều khoản có lợi cho Người lao động. Bản thân có tinh thần đoàn kết nội bộ, hòa đồng với đồng nghiệp trong đơn vị, gương mẫu trong cuộc sống, trong công tác được tập thể phòng và trong công ty quý mến.

Với những nỗ lực trong công tác, sáng tạo trong công việc anh Bùi Quang Ánh nhiều năm liền được công nhận là đoàn viên công đoàn xuất sắc, các năm 2011 và 2012 đạt giải thưởng Bàn tay vàng do Liên đoàn lao động Thành phố trao tặng./.

 

Nguyễn Anh Sáng - Y sĩ, Phó Trưởng khoa Kiểm dịch Trung tâm y tế Dự phòng quận 5

"Người Thầy của công tác tuyên truyền phòng chống dịch bệnh tại quận 5"

 Tôi gặp Bác sĩ Nguyễn Anh Sáng – Phó trưởng khoa Kiểm soát dịch bệnh, Trung tâm y tế dự phòng quận 5 tại một buổi tuyên truyền phòng chống dịch bệnh trên địa bàn quận 5. Với vai trò là Phó trưởng khoa Kiểm soát dịch bệnh, Bác sĩ luôn đi sâu đi sát giải quyết các vấn đề khó trong công tác tuyên truyền, vận động và phòng chống dịch bệnh, trách lây lan. Bác sĩ Sáng cũng rất vui mừng và rất vinh dự khi biết mình là một trong 7 cá nhân được Ủy ban nhân dân quận 5 trao tặng giải thưởng Trần Văn Kiểu năm 2014. Đây là niềm khích lệ to lớn đối với Bác sĩ khi sắp về hưu và cũng là động lực thúc đẩy các đồng nghiệp của Bác sĩ phấn đấu trong công tác chuyên môn.

Theo các đồng nghiệp của Bác sĩ Sáng, mặc dù được giao nhiều nhiệm vụ như: Phó Trưởng khoa Kiểm soát dịch bệnh, Tổ trưởng tổ công đoàn, nhưng với công việc nào anh cũng luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Bác sĩ Nguyễn Anh Sáng tâm sự: Xác định việc phòng chống dịch bệnh là việc làm cần thiết, thường xuyên, lâu dài và sẽ gặp nhiều khó khăn trong công tác tuyên truyền, vận động nhưng tôi đã yêu và chọn con đường này. Từ những ngày đầu về công tác tại Trung tâm y tế dự phòng quận 5 và được giao nhiệm vụ phòng chống dịch bệnh, tôi đã tích cực lắng nghe để học hỏi thêm những kinh nghiệm hay của các đồng nghiệp đi trước và cầu tiến tìm những điều mới mẻ, không ngừng học tập nâng cao chuyên môn nghiệp vụ. Làm việc tại quận 5, quận có đông người Hoa sinh sống, có nhiều trở ngại về ngôn ngữ nên bản thân bác sĩ Sáng đã chủ động học thêm tiếng Hoa để chủ động trong giao tiếp, tuyên truyền vận động. Mạnh dạng tham mưu với Ban giám đốc Trung tâm thực hiện công tác phiên dịch các tài liệu, bướm tuyên truyền từ tiếng Việt sang tiếng Hoa để phát đến từng hộ dân, dán ở các Bản tin khu phố, bản tin sức khỏe ở trường học… 

Xác định công tác tuyên truyền, vận động là yếu tốt quyết định việc phòng chống dịch bệnh có tốt hay không, Bác sĩ đã tham mưu với Ban Giám đốc xây dựng kế hoạch và triển khai, giám sát tiến độ, hiệu quả công việc của chương trình sức khỏe như: thống kê báo cáo, chương trình tiêm chủng mở rộng, phòng chống dịch bệnh như: sốt xuất huyết, tay chân miệng, sởi, cúm… Đồng thời, cũng là người phục trách hướng dẫn Trạm y tế 15 phường thực hiện tuyên truyền, hướng dẫn người dân nhận thức về phòng bệnh; vận động người dân đi tiêm chủng và theo dõi phát hiện bệnh mới ngăn chặn dịch lan truyền. Trực tiếp chỉ huy 15 phường thực hiện việc phun hóa chất phòng chống dịch bệnh. Hàng năm, chủ động phối hợp Phòng Giáo dục – Đào tạo quận 5 tập huấn chuyên môn phòng chống dịch bệnh trong học đường và truyền thông tại các trường tiểu học trên địa bàn quận về phòng chống dịch bệnh, rửa tay đúng cách…Đồng thời tổ chức tập huấn kỹ năng cho những người làm công tác truyền thông tại 15 phường nhằm ngăn chặn kịp thời các dịch bệnh xảy ra trong nhà trường và địa bàn dân cư.

 Đặc biệt, với công tác tuyên truyền yếu tố trực quan, sinh động là điều cần thiết và dễ nhớ, nên bác sĩ Sáng đã vận dụng kiến thức về công nghệ thông tin trực tiếp thiết kế các chương trình truyền thông trên máy tính với những hình ảnh minh họa trực quan sinh động; đồng thời, thực hành tại chỗ những biện pháp phòng chống dịch bệnh. Việc thiết kế các chương trình tuyên truyền Bác sĩ chú trọng vào công tác tuyên truyền các loại bệnh thường gặp và dễ bùng phát thành dịch như: Sốt xuất huyết, bệnh tay, chân, miệng; dịch cúm người, cúm gia cầm, HIV-AIDS, dịch tả, thương hàn … và phù hợp cho từng loại đối tượng như: cộng đồng dân cư, giáo viên, sinh viên, học sinh và cả các cháu mẫu giáo. 

Với những biện pháp đó, công tác phòng chống dịch trong cộng đồng dân cư trên địa bàn quận 5 đạt nhiều kết quả cao, đã góp phần tích cực trong việc triển khai, giám sát chương trình phòng chống dịch bệnh và khống chế không để xảy ra dịch lớn trên địa bàn quận 5 nhiều năm liền. Đặc biệt là góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng về công tác phòng chống dịch bệnh và niềm tin của nhân dân đối với ngành y tế dự phòng.  

Song song với công tác chuyên môn, bác sĩ luôn tích cực và vận động công đoàn viên trong khoa tham gia các phong trào do tổ chức công đoàn phát động như: viết bài hưởng ứng các đợt vận động của Liên đoàn Lao động quận 5, các phong trào văn thể mỹ của đơn vị cũng như của quận. Thăm hỏi, chăm sóc các trường hợp ốm đau. Vận động tích cực phong trào đóng góp “Vì Trường Sa thân yêu”, “Mái ấm Công đoàn”, quỹ học bổng “Nguyễn Đức Cảnh”,…/. 

 
 
Điều dưỡng trưởng Tô Nữ - Trưởng phòng Điều dưỡng Bệnh viện quận 5
 
"Tận tình với Bệnh nhân"
 
Vững vàng về chuyên môn, luôn luôn hoàn thành tốt công việc được giao, giản dị trong cuộc sống, gần gũi với đồng nghiệp, hết lòng với người bệnh, tận tụy với gia đình đó là những lời nhận xét, đánh giá của cán bộ, đồng nghiệp và người nhà bệnh nhân khi nói về điều dưỡng Tô Nữ – Trưởng phòng Điều dưỡng Bệnh viện quận 5.
Ấn tượng đầu tiên khi tiếp xúc với chị đó là một con người điềm đạm, cởi mở, ân cần với bệnh nhân. Từ năm 1980, chị Nữ được phân công về công tác tại phòng Điều dưỡng Bệnh viện quận 5. Lúc đó trong tâm tưởng của chị luôn trăn trở: là điều dưỡng trẻ, chưa có kinh nghiệm trong chuyên môn, chị thật sự băn khoăn lo lắng, bởi theo chị nghĩ những kiến thức học được ở trường đối với tình hình thực tế sẽ khó khăn, phức tạp hơn rất nhiều. Để hoàn thành công việc được giao, nhất là trong công tác chuyên môn, chị đã dành nhiều thời gian nghiên cứu tài liệu, trau dồi kiến thức, học hỏi kinh nghiệm… 
Trong suốt quá trình công tác cũng như sự phấn đấu bền bỉ chị được sự tín nhiệm của ban giám đốc bệnh viện đề bạt lên làm Trưởng phòng Điều dưỡng từ năm 2007 đến nay. Làm công tác quản lý là công việc còn khá mới mẻ nên chị luôn ý thức được trọng trách được giao; đồng thời tham mưu cho Ban giám đốc các giải pháp nâng cao chất lượng chăm sóc bệnh nhân. Bên cạnh đó, Chị đã chủ động thực hiện đề tài Khảo sát và đánh giá kỹ năng giao tiếp của điều dưỡng. Qua phiếu khảo sát đã thể hiện mức độ hài lòng về giao tiếp giữa bệnh nhân, thân nhân và đội ngũ nhân viên y tế Bệnh viện đạt tỉ lệ khá cao (tỉ lệ hài lòng > 96%). Tỷ lệ này đã phản ánh giao tiếp ứng xử tốt của đội ngũ nhân viên y tế đối với người bệnh và thân nhân người bệnh. Ngoài ra, việc khảo cũng cung cấp những cơ sở khoa học nâng cao tinh thần trách nhiệm, thái độ phục vụ của đội ngũ nhân viên y tế. 
Không chỉ thực hiện tốt công tác chuyên môn, một người lãnh đạo giỏi chị còn tạo điều kiện để những đồng nghiệp trẻ mới bước vào nghề học tập, nâng cao kiến thức, động viên anh em vượt khó khăn để hoàn thành tốt công việc. Chị còn tham mưu với Ban Giám đốc tổ chức hội thi tay nghề điều dưỡng giỏi định kỳ, duy trì tốt phong trào “ôn luyện lý thuyết, luyện tay nghề”…. Góp phần thực hiện có hiệu quả công tác phổ biến và cập nhật kiến thức mới cho điều dưỡng nhằm hạn chế sai sót trong công tác chuyên môn và đảm bảo an toàn cho người bệnh. Ngoài ra, hàng năm trực tiếp tham gia huấn luyện đào tạo Điều dưỡng viên mới, sinh viên thực tập. 
Bản thân chị còn tích cực tham gia hưởng ứng các phong trào thi đua trong công nhân viên chức người lao động như: thực hiện tốt 12 điều Y đức của Bộ Y tế ban hành; Thực hiện lời dạy của Bác Hồ: “ Lương y như từ mẫu”, thực hiện tốt quy tắc ứng xử trong giao tiếp với người bệnh… Trong các phong trào thi đua chị Nữ luôn đạt nhiều thành tích nổi bật, chị có nhiều sáng kiến trong công tác chuyên môn cũng như công tác đoàn thể và đã đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp cơ sở nhiều năm liền, được tặng nhiều Giấy khen, Bằng khen của các cấp. Đặc biệt là Huy chương vì sức khỏe nhân dân do Bộ Y tế tặng thưởng : “Đã có nhiều cống hiến cho sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân” năm 2004.
Không chỉ “giỏi việc nước”, chị Nữ còn có một gia đình hạnh phúc. Chị có hai người con, tấc cả cũng theo ngành y của mẹ. Trên 30 năm công tác tại bệnh viện, chị Nữ liên tục phấn đấu, rèn luyện, học tập, cống hiến cho sự nghiệp chăm sóc sức khoẻ nhân dân. Với tác phong làm việc nghiêm túc, học tập và thấm nhuần tư tưởng tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, luôn tận tâm trong công việc, chị Nữ luôn gương mẫu, giản dị, thẳng thắn và chân thành./
 
 
 
Bác sĩ Nguyễn Thanh Danh - Bác sĩ, Trưởng Khoa Nội tổng hợp Bệnh viện quận 5
 
"Chuyện về một Bác sĩ nhiệt tâm"
 
 
Những năm qua, Bệnh viện quận 5 đã gặt hái được nhiều thành tích trong công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Có được kết quả này phần lớn là nhờ đội ngũ y bác sỹ luôn tận tâm với nghề. Một trong những số ấy điển hình là bác sỹ Nguyễn Thanh Danh – người hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, được đồng nghiệp, người bệnh, người nhà bệnh nhân tin tưởng và yêu mến.
Với nhiệm vụ là Trưởng Khoa Nội tổng hợp, đảm nhiệm công tác chuyên môn lẫn quản lý, nhưng bác sỹ Danh vẫn điều hành công việc trôi chảy và hiệu quả. Bác sĩ Danh luôn tích cực học tập, rèn luyện, từng bước nâng cao chất lượng phục vụ bệnh nhân và chất lượng chuyên môn nghiệp vụ, cùng với tập thể đơn vị đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân. Trong công việc, bản thân luôn lên lịch phân công nhiệm vụ cho từng thành viên phụ trách chăm sóc người bệnh ở mỗi phòng bệnh. Trong điều trị, bản thân theo dõi tình trạng sức khỏe bệnh nhân, hội chẩn với các biện pháp can thiệp tích cực; thăm hỏi tận tình, ân cần hướng dẫn bệnh nhân cách phòng và điều trị bệnh. Đặc thù của Khoa Nội tổng hợp là số lượng bệnh nhân đông, đa số là những người già mắc các bệnh mãn tính như: suy tim, tai biến mạnh máu não, hen phế quản… diễn biến bệnh khó lường, nhưng khoa Nội tổng hợp luôn là một trong những đơn vị hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, không xảy ra hiện tượng các bệnh nhân phàn nàn về thái độ ứng xử.
Với lòng yêu nghề và tinh thần ham học hỏi, bác sỹ Danh không quản ngày đêm theo dõi sát người bệnh, tạo niềm tin cho người bệnh, đồng thời tận tình giải thích tình trạng bệnh để người nhà và bệnh nhân yên tâm phối hợp cùng điều trị. Nhận thức được nguy cơ bệnh động mạch vành và bệnh đái tháo đường có sự ảnh hưởng lớn đến người dân. Bác sĩ Danh đã cùng với các đồng nghiệp của mình thực hiện các đề tài nghiên cứu về: “Khảo sát một số  yếu tố nguy cơ bệnh động mạch vành những người đến khám tại Bệnh viện Quận 5” và “Tầm soát bệnh đái tháo đường”. Qua đó, đã góp phần định hướng công tác tầm soát bệnh đái tháo đường định kỳ hàng năm cho các đối tượng có nguy cơ cao. Tích cực tham mưu Ban Giám đốc xây dựng chương trình công tác giáo dục truyền thông bằng nhiều hình thức tại cộng đồng dân cư nhằm nâng cao khả năng phòng bệnh cũng như nhận thức những biểu hiện đặc trưng của bệnh để có biện pháp can thiệp kịp thời. Thành lập câu lạc bộ Đái tháo đường từ năm 2012 với 103 thành viên thường xuyên tham gia sinh hoạt định kỳ tại Bệnh viện (6 tháng/lần) nhằm tăng cường công tác truyền thông, tư vấn, tầm soát các yếu tố nguy cơ bệnh lý mãn tính khác đi kèm. 
Ngoài công tác chuyên môn, Bác sĩ Danh còn là Ủy viên Ban chấp hành Công đoàn cơ sở, bản thân tích cực vận động và tham các phong trào do Ban chấp hành Công đoàn cơ quan và Liên đoàn lao động Quận phát động. Đồng thời duy trì thường xuyên việc tham gia công tác khác, chữa bệnh từ thiện tại các địa phương như : Cần Giờ, Bến Tre. 
Theo Bác sỹ Lê Văn Trương – Giám đốc Bệnh viện quận 5: "Bác sỹ Danh là một trong những bác sỹ của Bệnh viện có năng lực, cũng như kinh nghiệm dày dặn đã được chúng tôi đề xuất làm trưởng khoa Nội tổng hợp. Đây là khoa thường xuyên tiếp xúc với những bệnh nhân đặc biệt, bởi vì họ là những người lớn tuổi với các dạng bệnh khác nhau và việc chẩn đoán điều trị thuốc và các phương tiện khác khác cần có sự chăm sóc đặc biệt. Năm qua, khoa Nội tổng hợp -  nơi bác sỹ Danh chỉ đạo, điều hành đã hoàn thành và hoàn thành tốt nhiệm vụ, từ đó góp phần vào sự thành công chung của cả bệnh viện năm 2013".
Với những thành tích đã đạt được, bác sỹ Nguyễn Thanh Danh nhiều năm liền đạt danh hiệu "chiến sỹ thi đua cơ sở" và nhiều bằng khen, giấy khen các cấp./. 
 
 
 
Nguyễn Văn Minh - Kỹ sư, Tổ trưởng Tổ máy gầm Công ty Cổ phần Ánh Dương Việt Nam
 
"Người Thợ Sáng tạo"
 
Gặp và trao đổi với anh vào sáng thứ hai đầu tuần, anh vừa cười vừa nói “Tôi vừa đi mua một số thiết bị để tiếp tục sản xuất mấy “bộ gá hàn nhôm Bloc lạnh cho những chiếc xe đang được bảo dưỡng tại xưởng”. 
Anh sinh năm 1982, quê ở tỉnh Tiền Giang và sinh ra trong gia đình có 5 anh em, anh là người con thứ 3 trong gia đình. Với sự chịu khó, chăm chỉ của chàng thanh niên trẻ, anh đã nộp hồ sơ vào học ngành sửa chữa ô tô tại trường Trung cấp giao thông công chánh. Sau khi hoàn thành khóa học anh đã nộp hồ sơ và được nhận vào làm việc tại Xưởng sửa chữa ô tô Thành Đạt, trực thuộc Công ty cổ phần Ánh Dương Việt Nam vào năm 2006. Qua quá trình phấn đấu, năm 2012 anh được đề bạt làm tổ trưởng Tổ máy gầm và năm 2013 anh chính thức bước vào hàng ngũ của Đảng, là Đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam.
Trong quá trình công tác tại xưởng, anh Minh đã thật sự thể hiện được bản chất của người công nhân, người thợ lành nghề. Anh đã luôn thực hiện đúng các nội quy của xưởng, có tinh thần cầu tiến, nỗ lực trong công việc. Anh Minh luôn tâm niệm phải hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao và tích cực học hỏi. Qua quá trình phấn đấu, anh đã tốt nghiệp kỹ sư hệ vừa học vừa làm, thợ lành nghề có uy tín, được đề xuất trao tặng giải thưởng Trần Văn Kiểu quận 5 năm 2014. Trò chuyện cùng tôi, với nụ cười hiền lành, anh Minh không nói nhiều về mình và những thành tích mà anh và anh em của xưởng đã đạt được. Song tôi hiểu, để có tay nghề sửa chữa ô tô như anh là cả một quá trình rèn luyện, phấn đấu, bằng cả sự đam mê với nghề cùng với những gá hàn, nắp chắn gió, cùm bạc đạn…
Mặc dù đã đạt trình độ kỹ sư nhưng trong quá trình làm việc, có những lúc gặp trường hợp sự cố phức tạp, xử lý các trường hợp khó của các thiết bị ôtô hiện đại, anh Minh vẫn phải nghiên cứu tài liệu, trao đổi học hỏi với những đồng nghiệp, có nhiều đêm không ngủ, trăn trở suy nghĩ để tìm ra nguyên nhân, khắc phục bằng được sự cố, sửa chữa kịp thời các thiết bị ôtô. Qua đó, anh đã cùng phối hợp với các đồng nghiệp trong tổ đề xuất nhiều giải pháp, sáng kiến cải tiến áp dụng vào công việc sửa chữa và đạt hiệu quả cao như: lập qui trình bão dưỡng, gia công két nước, gia công láp xe 4 chỗ. Bản thân trực tiếp thực hiện cải tiến những thiết bị tại xưởng sản xuất giúp đơn vị tự sản xuất hoặc phục hồi các sản phẩm như:  sản xuất “Bộ gá hàn nhôm Bloc lạnh”, sản xuất “Nắp chắn gió cản trước xe 7 chỗ”, sản xuất “Nắp chụp bas kéo xe 4 chỗ”, phục hồi “Cùm bạc đạn tăng đưa”. Những sáng kiến, cải tiến kỹ thuật nêu trên đã góp phần tiết kiệm thời gian sửa chữa, làm lợi chi phí cho doanh nghiệp khoảng  200.000.000 triệu đồng/năm.
Ông Trần Huệ Tâm – Giám đốc xưởng sửa chữa ô tô Thành Đạt đã nói về anh Minh với vẻ tự hào: "Là người nói ít, làm nhiều, khi giao việc cho anh Minh, nhất là những việc khó, phức tạp là hoàn toàn yên tâm, anh không chịu đầu hàng với những khó khăn, luôn say mê, nghiên cứu tìm tòi để hoàn thành nhiệm vụ".
Bên cạnh đó, anh Minh còn rất tích cực tham gia các phong trào do đơn vị và Công đoàn cấp trên tổ chức và Ban Giám đốc phát động như: Hội thao truyền thống Vinasun, phong trào nuôi heo đất, chương trình “Vì Trường sa thân yêu – Vì Tuyến đầu Tổ Quốc”; cứu trợ đồng bào lũ lụt….
Với những kết quả đạt được, trong nhiền năm qua anh đã được Liên đoàn lao động quận 5, Liên đoàn lao động Thành phố trao tặng nhiều Bằng khen, giấy khen về thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua “Lao động giỏi – Lao động sáng tạo”, đạt danh hiệu đoàn viên xuất sắc nhiều năm liền./. 
 
 
 
Tin cùng chuyên mục